Tiên Phong Bank áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 13/3, với mức lãi suất cao nhất chỉ còn 13% một năm cho kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Đối với tiết kiệm không kỳ hạn và kỳ hạn tuần, lãi suất tối đa là 5%.
Chiều 12/3, Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng đưa ra biểu lãi suất mới với mức cao nhất 13% một năm cho kỳ hạn 12 và 13 tháng, lãnh lãi cuối kỳ. Thấp nhất là kỳ hạn 36 tháng còn 10,9%. Tất cả tiền gửi không kỳ hạn đều về dưới 5%.
Tương tự, Ngân hàng Đông Á cũng cho biết đã đưa ra biểu niêm yết mới với lãi suất cao nhất 13% cho kỳ hạn 1,3 và 6 tháng kể từ ngày 13/3.
Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc TienPhong Bank cho biết, nguồn tiền của ngân hàng hiện nay khá ổn định, thanh khoản tốt. Theo ông Anh, ngoài việc áp dụng mức lãi suất cạnh tranh trên thị trường (tuân thủ theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước), nhà băng thường xuyên triển khai các chương trình chăm sóc khách hàng theo từng thời kỳ để thu hút người gửi.
Tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại khác nhấn mạnh, việc giảm lãi suất huy động để tiến tới giảm lãi suất cho vay là phù hợp tình hình hiện nay. Tuy nhiên, ông này tỏ ra lo lắng bởi lượng tiền gửi tại nhà băng ông (ngân hàng quy mô 3.000 tỷ đồng) đang có dấu hiệu giảm, dù thanh khoản chưa quá căng thẳng.
Trong khi đó, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP HCM thừa nhận, việc Ngân hàng Nhà nước kiên quyết đưa mặt bằng lãi suất giảm xuống phần nào sẽ ảnh hưởng đến quyết định của người gửi tiền. "Một khi lãi suất huy động còn 13% và cắt tất cả khoản thưởng, khách hàng sẽ có tâm lý đắn đo và cân nhắc kỹ hơn trước khi quyết định gửi tiền vào nhà băng nữa hay không", vị này nói.
Một lãnh đạo của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam nhận xét, việc giảm lãi suất xuống quanh 13% nếu xét trên tổng thể thì không đáng lo ngại, vì hiện lạm phát của Việt Nam được dự đoán dừng lại ở mức một con số. Do đó, với mức 14% hay 13% vẫn đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu những kênh khác có hút lượng tiền đồng không.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước thì nhấn mạnh, hiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng tương đối tốt, lãi suất liên ngân hàng đang giảm, lạm phát được kiềm chế… là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho các nhà băng thực hiện lộ trình giảm lãi suất, kích thích dư nợ.
Lệ Chi |